Đừng bị đánh lừa rằng bộ chuyển đổi này chỉ chuyên dụng cho RTD bởi ngoại hình của nó. T121 không chỉ đơn thuần là một bộ chuyển đổi nhiệt độ. Sản phẩm này còn có thể chuyển đổi can nhiệt, chiết áp, điện áp(mV), biến trở sang analog 4-20mA.
Hẳn đối với các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật thì việc các thiết bị cần bộ chuyển đổi không còn là xa lạ. Tuy vậy, để kiếm được một thiết bị chuyển đổi tích hợp không phải là chuyện dễ dàng. Vì vậy, hôm nay chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu cho các bạn sản phẩm T121 với những thông số sau.
Thông số kỹ thuật của sản phẩm.
Đối với các bộ chuyển đổi tín hiệu. Thông thường chúng sẽ có một kích thước rất lớn, bên cạnh đó là nhiều tính năng hơn, đương nhiên thì giá thành sẽ đắt hơn rồi.
Các loại ngõ vào của sản phẩm.
Loại | Input | Khoảng đo tối đa | Span nhỏ nhất (**) | Độ phân giải | Tiêu chuẩn |
Can nhiệt | J | -210 ÷ 1200 ℃ | 50 ℃ | 5 μV | EN 60584 |
K | -200 ÷ 1372 ℃ | 50 ℃ | 5 μV | EN 60584 | |
R | -50 ÷ 1768 ℃ | 100 ℃ | 5 μV | EN 60584 | |
S | -50 ÷ 1768 ℃ | 100 ℃ | 5 μV | EN 60584 | |
T | -200 ÷ 400 ℃ | 50 ℃ | 5 μV | EN 60584 | |
B(*) | 0 ÷ 1820 ℃ | 100 ℃ | 5 μV | EN 60584 | |
E | -200 ÷ 1000 ℃ | 50 ℃ | 5 μV | EN 60584 | |
N | -200 ÷ 1300 ℃ | 50 ℃ | 5 μV | EN 60584 | |
RTD | Ni100 | -60 ÷ 250 ℃ | 20 ℃ | 6 mΩ | EN 60584 |
Pt100 | -200 ÷ 650 ℃ | 20 ℃ | 6 mΩ | EN 60584 | |
Pt500 | -200 ÷ 650 ℃ | 20 ℃ | 28 mΩ | DIN 43760 | |
Pt1000 | -200 ÷ 200 ℃ | 20 ℃ | 28 mΩ | EN 60751 | |
Điện áp | mV | -150 ÷ 150 mV | 2,5 mV | 5 μV | |
Chiết áp | Ω | 500 Ω ÷ 100 kΩ | 10 % | 0,0015 % | |
Điện trở | Ω | 0 ÷ 400 Ω | 10 mΩ | 6 mΩ | |
Điện trở | Ω | 0 ÷ 1760 Ω | 50 mΩ | 6 mΩ |
(*): Với can nhiệt loại B: Giữa giá trị 0 ÷ 250 ℃ giá trị đo là null.
(**): Span là giá trị khoảng đo cài đặt cho bộ chuyển đổi nhiệt độ của bạn. Span được tính bằng cách lấy giá trị max trừ giá trị min của khoảng. Ví dụ khi cài đặt RTD, bạn chọn khoảng đo là -10 ÷ 100 ℃. Span = max – min = 100 – (-10) = 110 ℃ tức giá trị span cài đặt thỏa mãn rằng > (spanmin = 20 ℃).
Thông số kỹ thuật của bộ chuyển đổi nhiệt độ T121.
Đối với sản phẩm T121, đây là phiên bản có phần cải tiến so với mẫu T120. Các thông số chính có thể kể đến như sau:
Nguồn cấp: 7 ÷ 30 Vdc (loop powered, chúng ta sẽ thảo luận về vấn đề này sau).
Cách ly: 1,5 kVac.
Tiêu chuẩn bảo vệ: IP20.
Thời gian lấy mẫu: 300ms.
Loại bỏ tần số: >60dB từ 50 ÷ 60 Hz.
Thời gian phản hồi: <620ms.
Cấp độ chính xác: 0,1% ( nhỏ nhất 0,1 ℃ ở RTD và 1℃ ở can nhiệt).
Độ trượt nhiệt: < 100 ppm (thông thường: 30ppm).
Độ phân giải chuyển đổi: 16bit.
Sai số chuyển đổi: Tối đa là 0,1% của khoảng tỷ lệ hoặc 0,1 ℃.
Sai số EMI: < 0,5 %.
Nhiệt độ hoạt động: -40 ÷ 85 ℃.
Kết nối: 6 đầu kết nối dạng sping terminal cho dây dẫn với mặt cắt từ 0,2 đến 2,5 mm2. Khoảng dây trần được khuyến cáo là 8 mm. Bên cạnh đso còn có một cổng kết nối TTL với 4 chân dùng để lập trình.
Vỏ: PA6 được gia cố với sợi thủy tinh, màu đen.
Kích thước và cân nặng.
Sản phẩm nặng 35 g với thiết kế là biên dạng hình trụ ngắn. Trong đó, đường kính tròn là 43,7mm tức Φ 43,7, còn chiều cao là 17 mm. Nhưng cộng thêm 3 mm bù trừ, kích thước danh nghĩa của sản phẩm là 20 mm. Kích thước này rất phù hợp để lắp vào các vỏ cảm biến nhiệt.
Ở giữa thiết bị có một lỗ với đường kính 6mm. Lỗ này dùng để luồng dây hoặc kết nối với trục giữ. Bên cạnh đó T121 còn hỗ trợ sẵn 2 ốc M4 x 25 dùng để cố định cho thiết bị.
Giải đáp một số câu hỏi mà bạn có thể nhầm lẫn.
Đôi khi một số khái niệm quá gần nhau và không được định nghĩa cụ thể. Vì vậy chúng tôi xin bổ xung thêm cho các bạn những điều sau để tránh sự nhầm về thông số sản phẩm.
Nhiệt độ hoạt động không ám chỉ khoảng nhiệt độ chuyển đổi được!
Một thông số mà tôi nghĩ nhiều người hay nhầm lẫn đó chính là nhiệt độ hoạt động. Đối với bộ chuyển đổi nhiệt độ, nhiệt độ hoạt động không phải là nhiệt độ đo. Nhiệt độ đo được, nhiệt độ hoạt động và khoảng nhiệt độ chuyển đổi là 3 khái niệm khác nhau.
Nhiệt độ đo được: Đây là nhiệt độ mà cảm biến có thể đo được. Và đương nhiên, với từng loại cảm biến thì khoảng đo của chúng sẽ khác nhau. Đây là đặc tính cấu tạo của cảm biến nhiệt độ. Vì thế nhiệt độ đo được phụ thuộc vào cảm biến nhiệt độ chứ không phụ thuộc vào bộ chuyển đổi nhiệt độ T121.
Nhiệt độ hoạt động: Ám chỉ khoảng nhiệt độ mà bộ chuyển đổi nhiệt độ có thể chịu được. Giá trị nhiệt độ này chính là giá trị nhiệt độ ở nơi lắp đặt bộ T121.
Khoảng nhiệt độ chuyển đổi: Đây là một phần nằm trong phần cài đặt, nó quyết định giá trị đầu và cuối của khoảng nhiệt chuyển đổi. Liệu nó có giá trị đo của cảm biến có bị giới hạn bởi bộ chuyển đổi nhiệt độ?. Đáp án là không bạn nhé! Như bạn đã biết, khoảng nhiệt độ đo phụ thuộc vào phần cứng của cảm biến. Và việc cài đặt thông số diễn ra trên phần mềm của bộ chuyển đổi nhiệt độ. Vì thế nên chúng độc lập và cách biệt nhau hoàn toàn. Nhưng chính xác thì khoảng nhiệt độ chuyển đổi là gì? Hãy cùng đến đề mục tiếp theo bạn nhé.
Mối liên hệ giữa khoảng nhiệt độ chuyển đổi và tín hiệu đầu ra.
Khoảng nhiệt độ chuyển đổi là một thông số được cài đặt vào bộ chuyển đổi nhiệt độ T121. Thông qua máy tính, bạn sẽ thực hiện một số thao tác để xác định giá trị đầu và cuối. Tỉ lệ giữa khoảng nhiệt độ chuyển đổi sang tín hiệu analog là một hàm tuyến tính với đường đặc tính là một đoạn thẳng. Điều này đồng nghĩa với việc giá trị trên và dưới của đầu vào sẽ tương ứng với giá trị trên và dưới của đầu ra. Và chúng cứ thế tỉ lệ.
Lấy ví dụ ở cho cài đặt khoảng nhiệt độ chuyển đổi là 0 ÷ 100 ℃ cho ra tín hiệu analog 4 ÷ 20 mA. Khi cảm biến đo được nhiệt độ lần lượt là 0 ℃, 25 ℃, 50 ℃, 75 ℃, 100 ℃ thì ngõ ra sẽ có các giá trị tương ứng lần lượt 4, 8, 12, 16, 20 mA.
Hướng dẫn cách sử dụng bộ chuyển đổi nhiệt độ – T121.
Ngoài những thông số khô khan kia, tôi chắc rằng bạn cũng muốn được biết về cách sử dụng bộ chuyển đổi nhiệt độ này phải không nào?. Đừng nóng vội, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cụ thể về cách đấu dây, lắp đặt cũng như cài đặt cho sản phẩm. Hãy theo dõi những đề mục bên dưới để biết thêm bạn nhé.
Sơ đồ chân và cách đấu nối cho bộ chuyển đổi nhiệt độ – T121.
Đối với sản phẩm. Như chúng tôi đã đề cập, sản phẩm có 6 chân kết nối và mỗi chân được đặt tên theo số một cách rất trực quan như sau:
Cách đấu dây vào chân kết nối cho bộ chuyển đổi nhiệt độ– T121.
Các chân đấu nối của bộ chuyển đổi nhiệt độ T121 là kiểu kết nối sping terminal. Điều này có nghĩa rằng với chân đã được bảo vệ đúng quy cách, bạn chỉ cần nhét chúng vào mà không cần bất cứ thao tác gì khác. Còn khi tháo ra, bạn chỉ cần sử dụng một tua vít dẹt, ấn nhẹ và giữ phần nút, sau đó tháo dây ra.
Chân kết nối của bộ chuyển đổi nhiệt độ – T121.
Sản phẩm có 6 chân với ý nghĩa và chức năng như sau:
Các chân số 1, 2, 3, 4: Chúng là các chân dùng để đấu nối cho các input.
Hai chân số 5 và 6: Chân số 5 được ký hiệu là ⊕ và chân số 6 được ký hiệu là ⊖. Đây là hai chân cấp nguồn.
Nhưng bạn sẽ thắc mắc, thế cặp chân lấy tín hiệu đầu ra ở đâu? Chúng tôi sẽ bật mí với bạn ngay sau đây.
Loop powered là gì? Cách cấp nguồn và lấy tín hiệu analog từ T121.
Loop powered là gì? Đó là một phương thức cấp nguồn cho thiết bị với ngõ ra là analog. Ở các thiết bị này vòng nguồn điện cũng là vòng ngõ ra. Tức dòng điện của nguồn sẽ được “bóp” lại bởi nguồn. Dòng điện trên vòng cấp nguồn cũng chính là dòng điện analog cho ngõ ra. Để giúp bạn dễ dàng phân biệt hơn, chúng tôi xin tóm tắt như sau:
Loop powered: Thiết bị có vòng điện cấp nguồn cũng là vòng điện cho dòng analog. Với trường hợp của T121, chúng ta sử dụng phương pháp cấp nguồn này cho thiết bị.
Passive analog (passive current output): Cặp chân tín hiệu ngõ ra phải có một chân được cấp điện áp dương. Chân còn lại sẽ được đấu nối với AI+ của thiết bị đọc. Còn chân AI- của thiết bị đọc phải được đấu nối với chân điện áp 0 V của nguồn đã cấp cho thiết bị phát analog.
Active analog (active current output): Cặp chân tín hiệu ngõ ra của thiết bị chủ động phát dòng và không cần được hỗ trợ nguồn. Đây là kiểu đấu nối phổ biến cho các thiết bị.
Các thiết bị đọc passive analog sẽ được gọi là active module. Còn đối với các thiết bị đọc active analog sẽ được gọi là passive module. Hiện nay một số thiết bị đọc có khả năng chuyển đổi linh hoạt giữa active – passive module. Nhưng đối với các thiết bị không hỗ trợ chuyển đổi thì sao? Bạn hãy đấu nối theo phương pháp sau bạn nhé.
Ghi chú: Để giảm độ trượt của thiết bị. Nhà phát hành khuyến cáo tải của vòng output nên lớn hơn 250 Ω.
Đấu nối input với bộ chuyển đổi nhiệt độ T121.
Sản phẩm này có thể được kết nối với nhiều định dạng ngõ vào khác nhau. Chúng tôi xin tổng hợp và hướng dẫn ở từng loại như sau:
Lưu ý: Với chiết áp có giá trị lớn hơn từ 1,7 kΩ đến 100 kΩ. Chúng cần được đấu với một điện trở song song với Ra=1,5 kΩ.
Cách cài đặt thông số cho bộ chuyển đổi T121.
Ở chế độ mặc định, bộ chuyển đổi nhiệt độ T121 có thể sẽ không ở cài đặt mà bạn mong muốn. Vì thế, để sử dụng chính xác thiết bị, bạn cần phải cài đặt lại thông số cho chúng. Tuy nhiên, đừng lo ngại vì việc cài đặt rất dễ dàng.
Chuẩn bị phần cứng.
Có hai phương cách để cài đặt cho bộ chuyển đổi nhiệt độ T121 đó là thông qua Easy USB hoặc qua thiết bị S117P1. Để cài đặt, bạn bắt buộc phải có 1 trong hai thiết bị này.
Cài đặt phần mềm.
Kế đó là về phần mềm. Bạn có thể truy cập website của seneca sau đó tìm và cài đặt phần mềm EASY SETUP hoặc EASY SETUP 2. Sau quá trình cài đặt phần mềm, bạn hãy khởi động chúng và làm theo những bước ở bài viết này: Hướng dẫn cài đặt bộ chuyển đổi nhiệt độ T120|T121.
Nếu cảm thấy việc cài đặt quá phức tạp, bạn cũng có thể liên hệ và cho chúng tôi biết những thông số bạn muốn cài đặt. Đội ngũ nhân viên của chúng tôi sẽ tạo thiết lập sẵn thiết bị trước khi chúng được giao đến tay bạn. Tôi mong rằng bài viết này đã giới thiệu cho bạn được một sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình. Hẹn gặp các bạn ở những bài viết sau, chúc ngày tốt lành bạn nhé ⋆⋆⋆⋆⋆⋆⋆⋆.